Phim - Sách

Về Thưa mẹ con đi

Tôi đang dạy lớp Nghiên cứu thị hiếu khán thính giả. Vì đi theo tôn chỉ giáo dục học tức là làm việc, tôi yêu cầu các sinh viên thực hiện phỏng vấn sâu với khán giả mục tiêu của Thưa mẹ con đi. Một trong những kết luận nổi bật mà 23 cuộc phỏng vấn đó đem lại là sự không hài lòng của khán giả trẻ đối với hình ảnh của các nhân vật LGBT trên màn ảnh Việt. Dù khán giả có thuộc nhóm LGBT hay không, thì với họ ấn tượng lớn nhất về các nhân vật LGBT hiện có trên màn ảnh Việt thường chỉ để gây cười, làm lố, để làm nền cho các nhân vật chính, và phiến diện.

Với những người ủng hộ đề tài LGBT trên màn ảnh Việt, họ mong chờ một bộ phim mà nhân vật thuộc cộng đồng này được trở thành nhân vật chính, được miêu tả trong bối cảnh đời thường, giản dị. Họ muốn vấn đề tình yêu được miêu tả theo đúng bản chất của nó, tức là tình yêu chỉ là một phần của cuộc đời nhân vật. Với những người thuộc nhóm LGBT, họ hơn ai hết, chỉ mong phim nói về họ như những con người, đa dạng và nhiều mâu thuẫn, như bao con người khác, với biết bao ràng buộc trách nhiệm.

Tôi nghĩ những người mang kỳ vọng đó đối với phim điện ảnh Việt có thể thấy “đã” với phim Thưa mẹ con đi. Bộ phim này kể về chuyến thăm quê nhà của Văn, một chàng trai người Việt đi du học Mỹ, và đã nhập quốc tịch. Anh về để đóng vai trò của con trai trưởng trong lễ cải mộ cho người cha đã mất từ lâu. Anh đưa theo Ian, người bạn trai cũng gốc Việt, nhưng đã sống trong văn hóa Mỹ lâu hơn theo cùng. Ian đi theo để cùng Văn đối diện với những trách nhiệm của gia đình, nhưng cũng là để ra mắt mẹ và họ hàng của bạn trai. Tuy nhiên, trong phần lớn bộ phim, họ không thể nói ra mối quan hệ thật sự của họ, không phải vì định kiến hay bất cứ điều gì khác, mà vì tình yêu.

Bộ phim được kể với nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng. Xem phim tài liệu của Trịnh Đình Lê Minh làm rồi, thì thấy không ngạc nhiên nữa. Minh giỏi kể những chuyện nho nhỏ, những câu chuyện số phận giản dị. Thưa mẹ con đi có nhiều tình tiết nho nhỏ mà đắt giá, nói lên một hệ mạng nhện gia đình thương nhau đó, sống hết mình vì nhau đó, nhưng không phải không có cái hờn ghen, đố kị, nghi ngờ. Câu chuyện tình yêu che giấu của hai anh chàng từ xa trở về với làng quê Việt Nam, hóa ra chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh gia đình sống chung trong một khối nhà, chung tay gánh vác cơ nghiệp gia đình.

Mong muốn kể được số phận của từng nhân vật của đạo diễn và biên kịch quả là khiến phim dài ra và khiến khán giả hơi sốt ruột ở đoạn giữa, nhưng lại đưa tới một cái kết mà không nhiều phim Việt làm được. Thưa mẹ con đi có một cái kết rất “đời”, tức là nó có hậu đấy, nhưng nó ngổn ngang biết bao điều. Nó là sự tự do của việc được là chính mình, nhưng nó vẫn trĩu nặng với băn khoăn, âu lo, tình yêu thương. Sự ra đi, với cả những hứa hẹn về tương lai, thực ra chẳng có gì chắc chắn, mà buộc từng nhân vật phải nhận ra bản chất của tình yêu, dù là giữa hai người yêu nhau, giữa cha mẹ và con cái, đều đứng giữa ranh giới mong manh giữa nắm hay buông, giữa che chở, đồng hành hay thả cho người kia được sống với những trách nhiệm khác của họ.

Thành công lớn nhất của bộ phim, tất nhiên thuộc về đạo diễn và biên kịch, vì họ đã kể ra được một câu chuyện về cặp đôi LGBT, nhưng chẳng ai còn nghĩ tới chuyện họ là hai người đàn ông yêu nhau nữa.

Thành công tiếp theo, đó là thể hiện của diễn viên Hồng Đào. Với tôi thì Thưa mẹ con đi là một bộ phim có rất nhiều đề xuất về vấn đề giới. Trong phim có nhiều nhân vật nam, nhưng những việc mà người ta hay ấn định cho nam giới, thực ra lại do đàn bà nắm giữ. Người mẹ của Văn, tuy là một phụ nữ mang nặng tư tưởng con trưởng thì phải kế tục gia đình, gánh vác cơ nghiệp, sinh con nối dõi nhưng cùng lúc, cô lại gánh vác toàn bộ phần trách nhiệm mà người chồng quá cố để lại. Qua từng chi tiết hé lộ dần dần, từ sự phát hiện của Văn về chính mẹ, người ta thấy người phụ nữ ấy một mình cáng đáng hết cả gia đình, biết rõ thái độ của những người khác với mình, nhưng vẫn bảo bọc cho họ. Sự kì vọng của người mẹ đó với Văn, không phải là chuyện anh sẽ lấy vợ sinh con, mà là chuyện anh sẽ là người đàn ông của gia đình, gánh trách nhiệm mà bà đang phải gánh. Hồng Đào – với lối diễn rất kiềm chế của mình – đã thể hiện xuất sắc hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam có lẽ phổ biến trong cuộc đời nhiều hơn người ta thừa nhận. Bà hy sinh, nhưng bà không cam chịu, bà hiểu chuyện và biết cả những thứ chẳng cần ai nói, nhưng vẫn cố chấp và hy vọng.

Tất nhiên, sự thành công của Hồng Đào cũng nhờ vào diễn xuất xuất sắc của các diễn viên phụ khác. Trong đó có diễn viên Lê Thiện trong vai người bà đã lẫn lộn ký ức, nhưng vẫn là người bà mà chúng ta ai cũng ước mình có được – Người mà tình yêu của họ dành cho con cái vượt qua hết mọi thứ rào cản đạo đức hay định kiến. Và tất nhiên, chị Kiều Trinh và Hồng Ánh, cũng như những diễn viên nam phụ khác, đều đã góp phần xuất sắc cho bức tranh gia đình của bộ phim

Còn cặp đôi diễn viên chính, tuy về diễn xuất có khi còn non nớt nhất so với cả đoàn, nhưng họ rõ ràng đã có một bộ phim điện ảnh đáng để tự hào. Họ đã thể hiện thành công một cặp đôi yêu nhau thực sự, khiến khán giả yêu họ, thương họ, giận dữ cho họ, và buồn bã cho họ. Trong dòng phim nói về các cặp đôi LGBT, họ thực sự đã tạo ra một bước ngoặt mới.

Tôi hy vọng phim Thưa mẹ con đi sẽ thành công ở rạp hơn ở mức các nhà sản xuất trông đợi, không phải chỉ vì tôi quen biết với hầu hết những người trong nhóm sản xuất phim này, mà vì tôi nghĩ khán giả điện ảnh Việt Nam đã tới lúc nên quý trọng hơn những người làm phim về Việt Nam đúng như Việt Nam trong đời thường của họ.

Leave a comment