American lessons · Giáo dục

Tự nguyện hay không tự nguyện

Bạn nào học truyền thông – quảng cáo, chắc cũng từng nghe tới lý thuyết này rồi. Nhưng thôi, tôi vẫn quyết định viết ra cho các bạn chưa biết có thêm một điểm nhìn về chuyện người Việt ra đi.

Tôi cố gắng tránh các vấn đề đạo đức và phán xét, cũng không muốn gọi ai là ngu dốt hay độc ác. Người ta ai cũng có những lý do để hành động như họ hành động. Tôi chỉ thấy rằng, tốt nhất nên có thông tin, người không có thông tin thì dễ hành động hại bản thân và người khác. Vì nhiều khi cái mình tưởng là tự nguyện làm, thực ra lại không tự nguyện tới thế.

Lý thuyết cũ kĩ mà tôi muốn nói đến là Planned Behavior Theory. Đại khái, theo lý thuyết này, con người ta có ý định hành động, và hành động, vì chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:

  • Attitude – Thái độ của cá nhân về hành động đó: Cái này bao gồm cả việc họ đồng ý hay không đồng ý, ủng hộ hay không ủng hộ hành động và việc họ tin hành động sẽ mang lại kết quả gì. Ví dụ: Người ta cảm thấy và dự đoán thế nào cho kết quả của về hành động nhập cư lậu vào một nước khác để mưu sinh quyết định việc người ta có muốn làm điều đó hay không?
  • Subjective norms – Thái độ của người xung quanh về hành động đó: Những người sống và có ảnh hưởng tới bạn, đặc biệt là gia đình, hàng xóm và bạn bè nghĩ gì về hành động đó. Ví dụ: Khu vực bạn sống, gia đình bạn ủng hộ hay không ủng hộ việc vượt biên, nhập cư lậu cũng quyết định bạn có muốn làm điều đó hay không.
  • Perceived behavioral control – Đánh giá về khả năng thực hiện hành động đó cả từ nội tại và ngoại cảnh. Đây là phép đo lường của chính bản thân cá nhân, họ có thấy mình làm được điều đó hay không, hoàn cảnh có cho phép họ làm điều đó hay không. Ví dụ: Người ta thấy mình có thể đương đầu với hành trình nhập cư lậu, và mức độ có thể thực hiện được của hành trình này đến đâu, chính là một phần của quyết định có làm hay không.

Lý thuyết này được áp dụng trong vô số các chương trình điều chỉnh hành vi và bán hàng. Tuy nhiên, nó cũng bị phê phán vì người ta cho rằng nó “tư sản”, tức là nó loại bỏ khả năng người ta hành động vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải thế. Ví dụ, người ta có thể rất sợ chuyện đi nước ngoài trái phép, gia đình cũng đã khuyên can, nhưng người ta vẫn liều mình ra đi vì quá đói nghèo.

Tuy nhiên, lý thuyết này có thể áp dụng để giải thích các hành vi ít bị lệ thuộc vào hoàn cản khẩn cấp. Chính vì vậy, khi học về truyền thông và môi trường, tôi thường xuyên gặp lại nó. Soi chiếu sang chuyện người Việt di cư, nó có thể giải thích tại sao người ta dù không nghèo khó, cùng quẫn, vẫn chọn lên đường di cư trái phép. Nếu áp dụng lý thuyết này, thì có thể thấy rằng, người ta bỏ ra một đống tiền để đi sang Anh nhập cư trái phép, thứ nhất là vì họ cho rằng điều đó dù trái luật thì không có gì là đáng xấu hổ và nó sẽ mang lại kết quả tốt (tiền bạc). Thứ hai, là vì hành động đó được hàng xóm, gia đình hậu thuẫn – cái này thì có thể thấy đúng trong tuyệt đại đa số các trường hợp. Thứ ba, họ cho rằng mình làm được, và điều kiện bên ngoài là khả thi – cái này, có thể bị tác động vì những người đã đi trước, đã đang ở nước ngoài, và những kẻ môi giới vẽ ra một hành trình đơn giản dễ dàng.

Cái mà chúng ta gọi là lựa chọn tự nguyện cho một hành động, có thể là kết quả của rất nhiều yếu tố xã hội xung quanh một cá thể. Atitude (thái độ cá nhân) cũng không tự nhiên mà có. Nó là kết quả của một quá trình bình thường hóa của các hành vi diễn ra trong xã hội với một khoảng thời gian lâu dài. Chúng ta tiếp tục xả rác bữa bãi, vì chuyện bỏ rác vào đúng nơi quy định vẫn chưa được bình thường hóa trong xã hội Việt Nam – rất khác với Nhật Bản, nơi việc này đã trở thành thói quen xã hội. Người ta không thấy nhập cư trái phép là đáng xấu hổ, chính là vì họ đã lớn lên trong một xã hội có rất nhiều thứ phạm luật được coi là bình thường.

Chính cái attitude tương tự của nhiều cá nhân, sẽ hình thành nên subjective norms, và nó sẽ thúc đẩy bạn làm một hành động cụ thể nào đó nhiều hơn. Nếu ai cũng cho rằng sang Anh trồng cần sa là tốt và ủng hộ bạn ra đi, thì bạn sẽ hăm hở để đi hơn rất nhiều. Và khi một cá nhân đã có sẵn thiện cảm và niềm tin vào hành vi, lại có sự hậu thuẫn từ gia đình, họ sẽ đánh giá rộng rãi hơn về khả năng thực hiện từ chủ quan đến khách quan. Risk assessment chỉ nên thực hiện bởi những người ít hưởng lợi từ hành động, chứ một khi bạn đã đánh giá kết quả tiềm năng rất cao, thì khả năng đánh giá rủi ro của bạn cũng thấp đi nhiều, đặc biệt là trong hoàn cảnh có những người luôn hứa hẹn và xúi giục.

Lý thuyết về hành vi mà tôi theo đuổi nghiên cứu là Social influence, cũng là một bổ sung cho việc lý giải tại sao người ta lại hành động theo cách người ta hành động. Lý giải thêm cái này thì quá lằng nhằng, nhưng đại khái mỗi hành vi của chúng ta chịu rất nhiều tác động từ các mối quan hệ và đánh giá xã hội.

Bất kì ai, khi thực hiện hành động, đều ít nhiều chịu tác động từ các yếu tố sau:

  • Giá trị của cộng đồng mà mình hiện tại đang thuộc về theo đuổi.
  • Hành vi của người mà mình yêu quý, tôn trọng, ngưỡng mộ.
  • Giá trị tự thân mà mình đã tự hình thành trong quá trình trưởng thành.

Và cơ chế của cách đánh giá một hành vi, được dựa trên hai yếu tố:

  • Hành vi đó phổ biến trong xã hội xung quanh tôi thế nào.
  • Hành vi đó được tôi đánh giá về mặt đạo đức như thế nào.

Với những người đã sống qua nhiều nhóm cộng đồng với nhiều nhóm giá trị khác nhau, tiếp xúc với những người đáng ngưỡng mộ ở các dạng khác nhau, có cơ hội tiếp thu các giá trị khác nhau, thì khả năng để họ tự đánh giá về hành vi của mình sẽ rộng hơn những người chỉ sống trong các cộng đồng tương tự hay đồng nhất. Đôi khi, cái xã hội ai ai cũng làm không tương đồng với cái cho ta là đúng đắn, ta sẽ từ chối hành động giống họ. Nhưng, nếu cái xã hội ai ai cũng làm mà lại được ta đánh giá tích cực hoặc trung tính về mặt đạo đức, thì ta sẽ dễ thực hiện nó hơn.

Tất nhiên, những yếu tố kể trên chỉ có tác động lên “ý định thực hiện hành động”. Từ ý định cho đến hành động, thì còn có những lý do khác nữa, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể của từng người và mức độ tác động của các yếu tố trên.

Chính vì thế, tôi cho rằng không nên quá phán xét một ai khi họ có những quyết định với cuộc đời họ. Chúng ta không thể bị tách rời khỏi xã hội, và chuyện chúng ta chống lại được áp lực và trào lưu xã hội xung quanh mình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tại sao có những đứa trẻ lớn lên giữa một xóm buôn bán và nghiện ma túy vẫn có thể thành công về học vấn và có được con đường cuộc đời lành mạnh hơn? Đó không chỉ vì bản năng cá tính của đứa trẻ, mà còn có thể có những nhân tố xuất hiện trong đời đúng lúc, đúng chỗ, những tác động xã hội và những role model khác.

Một hành vi có thể là xấu, vi phạm pháp luật, và giả sử người ta phải trả giá bằng tù tội hay sinh mạng, thì tất nhiên đó là hệ quả của quyết định của họ. Nhưng, để những điều ấy không xảy ra nữa, thì hãy cố hiểu tại sao nó lại xảy ra, và nếu bạn làm được gì để hạn chế bớt điều ấy, thì làm trong giới hạn của mình. Cái gọi là hành vi tự nguyện, đôi khi không tự nguyện đến thế, nếu bạn nhìn xa ra ngoài một cá thể.

Ảnh: Poras Chaudhary / Getty Images

———–

Đọc thêm: https://news.zing.vn/vietnam-city-o-phap-ban-ngay-nau-an-dem-den-nhay-xe-container-post1006585.html

Leave a comment